Bát hương là một vật linh thiêng dùng thờ cúng trong gia đình, là biểu hiện Tâm linh trên bàn thờ. Đó là nơi mỗi khi thắp hương tưởng niệm, cầu cúng hướng tới tổ tiên, các vị thần linh. Hay gửi lòng thành kính vào cõi vô hình rồi chủ nhân cắm nén hương vừa đốt vào. Trong gia đình tùy theo trách nhiệm là con trưởng, con thứ v.v…mà thờ phụng. Thông thường có 3 cấp bậc, đó là:
– Thờ Phật: Cầu mong sự bình an thanh thản đến với gia đình, giải thoát tai ương.
– Thờ Thần: Thờ thổ công, long mạch, thần tài, tiền chủ. Những vị cai quản mảnh đất mình cư ngụ, cầu giúp gia đình ăn ở yên ổn.
– Thờ Gia tiên: Họ nhà mình và các bậc phụ thờ theo tiên tổ. Nếu thờ tổ tiên họ tộc bên ngoại thì phải lập bát hương và ban thờ khác.
Đặt bát hương trên bàn thờ gia tiên phải theo một nguyên tắc nhất định của từng vùng. Bát nhang là nơi giáng của các hương linh, thần, thánh, tổ tiên. Cũng thể hiện sự thành kính của gia chủ đối với cõi âm. Bát nhang thờ là hình thức hội tụ tâm thức. Giống như một sợi dây vô hình để khi gia chủ thắp hương cầu nguyện là thần linh, tổ tiên có thể chứng giám được lòng thành. Vì vậy bát nhang phải có sự phân chia riêng cấp bậc giữa “quan lại” và chúng dân.
Với người dân vùng đồng bằng Bắc bộ và những cư dân gốc ở đây thường là đặt 3 bát hương trên đế Tam sơn cho một ban thờ. Ba bát hương này khi đứng từ ngoài nhìn vào thì: bà tổ cô bên trái, thổ công chính giữa và gia tiên bên phải, Trong đó bát hương thổ công bao giờ cũng to hơn 2 bát kia và đặt ở vị trí cao hơn. Nhiều nhà đặt quá nhiều bát hương trên ban thờ là không đúng cách, không tổ hợp được sức mạnh Tâm linh hoặc là, theo thời gian số người mất trong gia chủ tăng lên thì bàn thờ cỡ bao nhiêu để bày cho đủ số bát hương (cho Tổ tiên, Kị, Cụ, Ông Bà, Bố Mẹ, Bà Cô, Ông Mãnh…).
Mặt khác cũng không được dán giấy ghi rõ bát hương nào thờ Thần, bát nào thờ Tổ tiên, bát nào thờ ai cụ thể. Bởi ghi như vậy là một việc làm trịnh thượng vô tình đã “phạm thượng” với bề trên: người trần, con cháu quy định cho chỗ đi về cho Thần linh và Tiên tổ.